Tranh tụng vụ 'bị án hình sự, vẫn là phó giám đốc' (1)

Tranh tụng vụ 'bị án hình sự, vẫn là phó giám đốc' (1)

Thứ 2, 06/05/2013 | 14:20
0
Ông Huỳnh Long Vấn, phó giám đốc phụ trách Ban quản lý rừng phòng hộ Khánh Sơn (thuộc sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa), bị TAND huyện Khánh Sơn tuyên phạt một năm cải tạo không giam giữ về tội thiếu trách nhiệm trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng vào ngày 17/1.

Tuy nhiên đến nay, ông này vẫn chưa bị xử lý kỷ luật về Đảng và đình chỉ chức vụ theo quy định của Đảng và pháp luật, dù bản án đã có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày tuyên án trong khi ông Vấn không kháng cáo phúc thẩm.

Ông Nguyễn Chuyện, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Khánh Hòa, cho biết đảng viên bị kết án hình sự từ sáu tháng cải tạo không giam giữ, thì sau khi bản án có hiệu lực 15 ngày phải khai trừ ra khỏi Đảng, sau đó cơ quan quản lý Nhà nước sẽ kỷ luật cách chức vụ nếu có.

Trong khi đó ông Lê Quý Hải, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Huyện ủy Khánh Sơn, cho biết đã làm xong hồ sơ kỷ luật Đảng đối với ông Vấn, chỉ chờ Ban thường vụ huyện ủy họp.

Còn ông Trần Công Thiên, Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa, nói rằng chưa kỷ luật ông Vấn vì phải chờ kết quả xử lý kỷ luật Đảng. Khi được hỏi vì sao ông Vấn bị tuyên án hơn hai tháng nhưng vẫn không bị tạm đình chỉ chức vụ, ông Thiên nói: "Sở chưa nhận được bản án của TAND huyện Khánh Sơn nên không rõ ông Vấn bị kết án thế nào".

Về điều này, ông Nguyễn Thành Phấn, Chánh án TAND huyện Khánh Sơn, cho biết tòa đã gửi bản án cho Ban quản lý rừng phòng hộ Khánh Sơn và theo quy định pháp luật, ban này có trách nhiệm báo cáo sở NN&PTNT.

Luật sư - Tranh tụng vụ 'bị án hình sự, vẫn là phó giám đốc' (1)

Ảnh minh họa.

Cũng theo ông Phấn, khi ra cáo trạng truy tố ông Huỳnh Long Vấn, VKSND huyện Khánh Sơn đề nghị sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa tạm đình chỉ chức vụ đối với bị can này, song đề nghị trên không được thực hiện.

Ông Nguyễn Chuyện cũng cho hay trước đó khi làm Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Khánh Sơn, ông Vấn đã thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra việc rừng phòng hộ Khánh Sơn bị phá hoại nghiêm trọng.

Chuyên mục “Thử tài tranh tụng” nêu ra vụ việc trên đây để bạn đọc cùng trao đổi. Trong vụ việc nêu trên, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm chính?

Trong số báo này, báo Người đưa tin giới thiệu bài viết của hai tác giả là Trần Thanh Sơn và Nguyễn Quốc Sử (Quảng Nam) nêu quan điểm trách nhiệm thuộc về cơ quan ra quyết định bổ nhiệm cán bộ.

Trách nhiệm thuộc về cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ

Luật Cán bộ công chức quy định, công chức bị tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; công chức lãnh đạo, quản lý phạm tội bị tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bổ nhiệm. Ở đây bản án của TAND huyện Khánh Sơn tuyên đối với ông Huỳnh Long Vấn, phó giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Khánh Sơn đã có hiệu lực nhưng ông vẫn yên vị trên ghế phó giám đốc là một điều khó hiểu khiến dư luận đặt ra nhiều nghi vấn. Đó là chưa nói đến các cơ quan có liên quan như sở NN&PTNT trong vai trò quản lý cán bộ, Huyện ủy Khánh Sơn trong việc quản lý đảng viên và dường như các cơ quan này đang đá trái bóng trách nhiệm cho nhau trong việc xem xét, kỷ luật cán bộ.

Trước hết trách nhiệm thuộc về cơ quan, đơn vị nơi ông Vấn đang công tác. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tuyên án, toà án cấp sơ thẩm phải giao bản án cho bị cáo, VKS cùng cấp, người bào chữa; gửi bản án cho người bị xử vắng mặt, cơ quan công an cùng cấp; thông báo bằng văn bản cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi bị cáo cư trú hoặc làm việc. Nhận được bản án của tòa án, Ban quản lý rừng phòng hộ Khánh Sơn phải báo cáo bằng văn bản đến cơ quan cấp trên trực tiếp quản lý thế nhưng cơ quan này đã thiếu trách nhiệm, không báo cáo theo quy định. Còn sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa cũng không có động thái tích cực nào trong việc xem xét, quản lý, giáo dục cán bộ trực thuộc và thiếu sự hợp tác với cơ quan chức năng trong việc điều tra truy tố vụ án bởi việc đề nghị đình chỉ chức vụ công tác của ông Vấn không được Sở này đồng ý. Việc ông Vấn bị TAND huyện Khánh Sơn tuyên án dĩ nhiên Sở này phải biết nhưng lại biện hộ lý do chưa nhận được bản án để làm ngơ cho cán bộ thuộc cấp mình quản lý là việc làm gây bức xúc dư luận của cơ quan này. Theo quy định của Nghị định 34/2011 về xử lý cán bộ công chức vi phạm, thẩm quyền xử lý được giao cho đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật tương xứng với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức đó.

Trần Thanh Sơn

Ban Thường vụ huyện ủy phải chịu trách nhiệm chính

Theo tôi, việc xử lý kỷ luật đối với ông Huỳnh Long Vấn, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Khánh Sơn (thuộc sở NN&PTNN tỉnh Khánh Hòa) thuộc trách nhiệm của Ban thường vụ huyện ủy Khánh Sơn, cơ quan quản lý về mặt Đảng đối với ông Vân và người đã ra quyết định bổ nhiệm ông Vân làm Giám đốc.

Trước hết về mặt Đảng, theo quy định tại Điều 40 của Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam thì đảng viên bị hình phạt từ cải tạo không giam giữ trở lên phải khai trừ ra khỏi Đảng và khoản 2 Điều 36 thì Ban Thường vụ huyện ủy quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên. Căn cứ vào Điều lệ Đảng và diễn biến vụ việc thì sau khi bản án của ông Vân bị Tòa án Nhân dân huyện Khánh Sơn có hiệu lực thi hành thì Ban Thường vụ huyện ủy Khánh Sơn phải thi hành kỷ luật với ông Vân với hình thức khai trừ ra khỏi Đảng. Như vậy, việc Ban Thường vụ huyện ủy Khánh Sơn chậm trễ trong việc thi hành kỷ luật đối với ông Vân là vi phạm nghiêm trọng Điều lệ Đảng.

Về mặt chính quyền thì theo Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Điều 13, 15 Nghị định 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức thì trường hợp của ông Vân, sau khi bản án của Tòa án tuyên phạt một năm cải tạo không giam giữ có hiệu lực thi hành thì người đã ra quyết định bổ nhiệm ông Vân phải tổ chức họp cơ quan, thành lập Hội đồng  kỷ luật để ban hành quyết định kỷ luật cách chức đối với ông Vân. Thời gian để ban hành quyết định kỷ luật buộc thôi việc đối với ông Vân là 02 tháng, trường hợp vụ việc có những tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 04 tháng kể từ ngày bản án của TAND huyện Khánh Sơn có hiệu lực thi hành.

Trong vụ việc này thì hành vi vi phạm của ông Vân đã rõ ràng, bản án của TAND huyện Khánh Sơn đã có hiệu lực thi hành (vì ông Vân không kháng cáo), do đó thời hạn để xử lý kỷ luật đối với ông Vân là 02 tháng, Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại thì đã quá thời hạn ra quyết định xử lý kỷ luật đối với ông Vân và người có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật không được ra quyết định xử lý kỷ luật nữa. Việc để quá thời hạn xử lý kỷ luật đối với ông Vân thuộc trách nhiệm của người đã bổ nhiệm và người này phải bị xử lý kỷ luật về hành vi để quá thời hạn.

Để kịp thời xử lý hành vi vi phạm của ông Huỳnh Long Vân thì Ban Thường vụ huyện ủy Khánh Sơn cần sớm ban hành quyết định kỷ luật khai trừ khỏi Đảng đối với ông Vân và cơ quan, người có thẩm quyền trong việc bổ nhiệm, quản lý ông Vân cần có biện pháp xử lý các hành vi vi phạm của ông Vân.

Nguyễn Quốc Sử

Thử tài tranh tụng vụ “giao ca” người tình

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
Mới đây, TAND tỉnh Bạc Liêu xét xử phúc thẩm một vụ án cố ý gây thương tích gây xôn xao dư luận bởi tính chất của câu chuyện xưa nay chưa từng xảy ra ở xứ này.

Tranh tụng vụ 'mang sổ đỏ vườn Quốc gia đi cầm cố'

Thứ 3, 23/04/2013 | 08:13
Vừa qua, dư luận vô cùng bức xúc trước vụ việc ông Lưu Minh Thành, Giám đốc vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bảng tự ý mang 11 sổ đỏ của di sản thế giới này đi cầm cố để "chạy" dự án.